VinaWap.Mobi
VinaWap.Mobi đã trở lại và lợi hại hơn xưa! :x
Từ giờ mình sẽ cập nhật thường xuyên. Mong ae ủng hộ để vực dậy cộng đồng wap Việt nhé.
Game Clash of Clans
Game chiến thuật dạng đế chế nổi tiếng trên điện thoại
Tải miễn phí
Game My Talking Tom
Trò chơi nuôi và chơi mèo mới, vui nhộn, đặc sắc và hoàn toàn miễn phí trên điện thoại
Tải miễn phí
Trang chủ » Đọc truyện » Truyện ma - kinh dị

Tác giả: Dicky Tran
Ngày viết: 10/07/2014
Trạng thái: Hoàn thành


Xưa kia tại huyện Tân Phúc, thuộc châu Bắc Giang, thời vua Trần Thái Tông có một chàng thư sinh nghèo tên là Đồng Vỹ Văn mặt mũi khôi ngô, tuấn tú. Chàng sống cùng bà mẹ già trong một căn nhà nát. Ngày ngày, Thị kiếm sống bằng việc bán rau ngoài chợ. Với số tiền ít ỏi kiếm được, Thị vẫn cho Vỹ Văn ăn học đàng hoàng.

Tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247), vua Trần Thái Tông tổ chức kỳ thi Tam Khôi để tuyển chọn hiền tài, Vỹ Văn khăn gói lên Thăng Long ứng thí. Mấy ngày đường trời mưa tầm tã, chàng phải liên tục tìm chỗ trú mưa khiến hành trình ngày càng dài thêm, ngày thi thì sắp tới gần. Thoáng chốc chỉ còn 5 ngày nữa là tới kỳ thi mà đoạn đường lên kinh vẫn còn khá dài.

Ngôi Miếu Hoang - 1

Hôm ấy trời sẩm tối, Vỹ Văn đi ngang qua 1 vùng núi hoang vu hẻo lánh không 1 bóng người. Bất chợt trời đổ mưa, chàng vội chạy thật nhanh tìm chỗ trú. Tới một lối mòn chàng nhìn thấy có 1 ngôi miếu cũ, liền vội chạy tới. Ngoài đề chữ “Miếu Kính Tâm”. Định gọi cửa xem có ai không thì lạ thay, chàng vừa đẩy nhẹ, cánh cửa đã hé mở ra cho chàng vào. Chàng bước vào và lên tiếng gọi:

– Có ai ở đây không?

Ngôi Miếu Hoang - 2

Chàng gọi một hồi nhưng không có ai trả lời. Biết đây là ngôi miếu hoang, chàng yên tâm khép cửa và đốt đèn cầy lên cho sáng. Chàng dò dẫm dưới ngọn cầy leo lắt. Khi tới thẳng trực diện thì chàng thấy một điện thờ phật Quan âm. Xung quanh, bụi bặm và màng nhện đã giăng đầy. Chàng bỏ cái thùng gỗ luôn khoác trên lưng xuống và lấy trong tay nải ra một cái áo và phủi cho sạch bụi rồi chắp tay vái:

– Nam mô a di đà phật. Tiểu sinh từ xa lên kinh ứng thí. Vô tình đi ngang đây, gặp lúc trời đổ mưa lớn, xin Quan âm nương nương cho tại hạ nương nhờ một đêm.

Nói rồi chàng cúi lậy ba vái. Tới một cái bàn cũ kê cạnh cửa sổ góc tường bên phải, bụi đã bám đầy, chàng phủi cho sạch rồi bỏ tay nải xuống và lấy bánh bao ra ăn. Ăn xong, chàng lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh ra nghiền ngẫm. Khi đêm đã khuya, chàng thấy buồn ngủ mới bưng đèn cầy lần mò tìm chỗ ngủ. Tới góc tường bên trái, chàng thấy một cái bàn lớn kê ngay cạnh một chiếc giường nệm màu hồng bằng lụa thêu hoa rất đẹp nhưng đã bạc phếch và bung chỉ. Chàng đoán người ở đây trước kia ắt hẳn là một nữ nhân nhà giàu có hoặc thuộc dòng dõi quý tộc. Chàng đặt chiếc đèn cầy lên bàn, tiến tới bên giường dùng cái áo khi nãy phủi cho sạch bụi rồi trải tấm chăn lấy trong cái thùng gỗ ra phủ lên trên và ngả lưng xuống. Vừa nằm xuống, chàng đã ngủ một mạch quên hết cả trời đất. Có lẽ vì mệt mỏi do phải đi đường xa nhiều ngày qua. Ngoài trời, mưa đã ngớt lúc nào nhưng chớp giật vẫn từng hồi. Giữa đêm khuya tĩnh vắng, từng đợt gió vi vu thổi gây cho ta một cảm giác rờn rợn. Gió lùa qua khe cửa sổ vào đến tận trong nhà. Đột nhiên, một trận gió lớn hất tung cánh cửa sổ ra. Cửa sổ bị gió thổi đập mạnh vào tường cái “rầm” kèm theo những đám lá khô táp vào trong nhà bay đầy lên bàn, làm mấy cuốn sách để trên bàn bị hất tung xuống đất. Chiếc đèn cầy để trên cái bàn lớn bị gió lùa vào cũng tắt ngủm. Vỹ Văn giật mình tỉnh giấc.

Ngôi Miếu Hoang - 3

Vỹ Văn đứng dậy quơ tay trong bóng tối định khép cửa sổ lại thì… “phụp”, một bóng trắng lướt qua cửa sổ vừa lúc chớp giật làm chàng giật bắn cả người và ngã khụy xuống. Chàng nói trong giọng run run:

– Ai…, ai… đó…? Là… người… hay… ma?

Nhưng không có tiếng trả lời. Chàng nghĩ bụng: “Hay là mình hoa mắt chăng?”. Chàng vội đứng dậy, tiến tới ra sức đóng cửa sổ nhưng những đợt gió quá mạnh cản không cho chàng đóng lại. “Phụt”, lại 1 đợt gió nữa nhưng lần này nó rất mạnh, nó khiến chàng ngã lăn quay ra đất. Cửa sổ bị gió thổi qua thổi lại nghe cành cạch. Khi chàng đứng dậy được thì đột nhiên gió cũng ngừng hẳn. Đêm khuya yên tĩnh một cách đáng sợ, không nghe thấy tiếng động gì cả, kể cả tiếng kêu của côn trùng, ếch nhái cũng không có. Chàng lại định tiến về phía cửa sổ để khép cửa lại lần nữa thì từ đâu vọng lại có tiếng đàn tì bà gẩy nghe thê lương, ai oán đến rợn người nhưng hấp dẫn một cách lạ thường. Chàng nghe tiếng đàn như bị mê hoặc, không nghĩ tới việc đóng cửa sổ nữa. Chàng mở cửa bước ra ngoài lắng nghe xem tiếng đàn phát ra từ đâu.

– Thì ra là từ hướng đó. – Chàng nghĩ bụng.

Vỹ Văn tiến lại phía tiếng đàn đang phát ra. Xa xa, chàng đã thấy bóng dáng một người con gái mặc áo trắng đang ngồi gẩy đàn. Giữa đêm khuya thanh vắng lại mưa gió thế này mà có người ung dung ngồi gẩy đàn thế kia thì xem chừng đó chẳng phải người thường. Dù sợ nhưng bị tiếng đàn mê hoặc, chàng lấy hết can đảm tiến lại gần thì người con gái ngừng đánh đàn, đứng dậy và nhìn chàng chằm chằm.

Ngôi Miếu Hoang - 4

Lúc này, Vỹ Văn mới phát hiện ra đó là một cô gái trẻ, tuổi chỉ khoảng mười tám đôi mươi, xinh đẹp tuyệt trần với dáng người thon thả, da trắng như tuyết, khuôn mặt tựa trái xoan đào, đôi mắt lung linh như ánh ngọc, làn môi hồng tựa cánh sen. Cô gái nở một nụ cười đẹp tựa như trăng rằm. Chàng say đắm nhìn người đẹp quên cả mọi thứ xung quanh. “Bịch”, một quả gì đó trên cây rơi trúng ngay đầu chàng làm chàng tỉnh mộng. Bấy giờ chàng mới thất thần hỏi:

– Xin hỏi cô nương tên gì? Tại sao lại một mình ra đây gẩy đàn giữa đêm khuya thanh vắng thế này?

Cô gái đáp lại:

– Tiểu thiếp họ Cố, tên Vọng Nguyệt. Hôm nay là ngày giỗ thân mẫu. Đường xa thăm mộ thân mẫu về nhà thì đêm đã khuya. Không ngủ được nên ra đây gẩy đàn lấy làm thú vui.

Vỹ Văn liền hỏi:

– Vậy nhà cô nương ở đâu? Trời lại sắp đổ mưa, cô nương mau về nhà đi hay để tại hạ đưa cô nương về?

Vọng Nguyệt liền nói:

– Ô hay, cái chàng này hay chưa, ở nhà người ta còn chốt chặt cửa khiến người ta không vô được nhà, giờ lại còn ráo hoảnh.

Bấy giờ chàng mới ngỡ ngàng:

– Thì ra cái miếu này là nhà của cô nương à? Thật thứ lỗi cho tại hạ thất lễ vì tại hạ từ xa tới đây, đang trên đường lên kinh ứng thí thì gặp trận mưa lớn. May thay có cái miếu này làm nơi trú ngụ. Tại hạ đã gọi cửa nhưng gặp lúc cô nương đi vắng nên tại hạ đã mạn phép vô trước. Kính mong cô nương thứ tội và cho tại hạ tá túc một đêm rồi mai sẽ lên đường sớm.

Vọng Nguyệt niềm nở:

– Không sao, thiếp chỉ nói vậy thôi, chứ không trách chàng đâu. Chàng tên gì? Người ở đâu?

Vỹ Văn đáp:

Tại hạ họ Đồng, tên Vỹ Văn, là người mạn Bắc Giang tình cờ đi ngang qua đây rất hân hạnh được quen biết Cố cô nương.

Vọng Nguyệt che miệng cười rồi nói:

– Chàng khách sáo quá đấy! Cứ gọi thiếp là Vọng Nguyệt được rồi.

Vỹ Văn thấy Vọng Nguyệt nói vậy liền nói:

– Nàng đã nói vậy thì ta cung kính không bằng tuân lệnh. Vọng Nguyệt muội muội, nơi này hoang vu hẻo lánh, sao nàng lại sống một mình ở đây vậy?

Vọng Nguyệt bỗng thay đổi sắc mặt, lặng im không trả lời.
Vỹ Văn thấy vậy đâm ra thấy sợ. Chỉ sợ hỏi điều không phải để người đẹp giận. Chàng vội nói:

– Hay nàng có điều gì khó nói, ta cũng không nhiều chuyện nữa đâu.

Vọng Nguyệt bỗng vui trở lại đoạn đáp lời:

– Không sao chỉ là nhắc tới chuyện này là gợi lại ký ức buồn của Vọng Nguyệt. Nhưng đã rất lâu không có ai đến đây chơi với Vọng Nguyệt. Hôm nay thấy chàng, thiếp rất vui.

Vỹ Văn nói giọng áy náy:

– Ta thật sự xin lỗi vì đã lỡ lời làm nàng buồn.

Vọng Nguyệt đáp:

– Không sao đâu. Chàng đến đây coi như là tri kỉ của Vọng Nguyệt rồi. Trời sắp mưa rồi, nào chàng theo thiếp vô nhà ta hàn huyên tiếp.

Nói rồi, Vọng Nguyệt một tay ôm cây đàn tì bà, một tay nắm lấy tay Vỹ Văn định kéo chàng vô miếu nhưng bàn tay của nàng lạnh như băng khiến chàng giật mình rụt tay lại. Chàng thất thần hỏi:

– Sao tay nàng lạnh quá vậy?

Vọng nguyệt ấp úng, rồi chợt biện bạch:

– À, chắc tại do ngoài trời lạnh quá nên tay thiếp mới bị lạnh thôi.

Vỹ Văn mắng yêu:

– Nàng thật ngốc nghếch, tại sao ngoài trời mưa gió lạnh lẽo thế này lại ra ngoài chứ! Mau vô nhà để ta nhóm lửa sưởi ấm cho nào!

Lần này Vỹ Văn không sợ bàn tay lạnh giá của Vọng Nguyệt nữa mà chủ động nắm tay nàng. Hai người bước vô miếu. Bên ngoài trời lại bắt đầu mưa. Vô đến trong, Vỹ Văn mò mẫm dưới gầm bàn kê gần cửa sổ để tìm cây đèn cầy nhưng tìm mãi không thấy. Thấy Vỹ Văn lần mò gì đó dưới đất một hồi, Vọng Nguyệt liền hỏi:

– Chàng tìm gì đó?

Vỹ Văn đáp:

– Ta tìm cây đèn cầy để thắp cho sáng. Lạ quá, lúc nãy nó mới lăn xuống đây nhưng giờ tìm chẳng thấy đâu.

Vọng Nguyệt nhanh nhảu:

– Để thiếp tìm phụ giúp cho!

Vỹ Văn đáp lễ:

– Phiền nàng quá! Bụi bặm thế này để ta tìm được rồi.

Nói rồi, Vọng Nguyệt đặt cây đàn tì bà lên bàn rồi cúi xuống phụ tìm với Vỹ Văn. Chỉ 1 thoáng nàng đã reo lên:

– A, thiếp tìm được rồi này!

Vỹ Văn mừng rỡ:

– Thật cảm ơn nàng quá. Ta thật vụng về!

Đoạn chàng lôi đá lửa giắt trong người ra và châm đèn cầy. Ngọn đèn cầy sáng leo lắt trong căn nhà tối om. Vỹ Văn hỏi:

– Chỉ có một ngọn đèn thì không đủ sưởi ấm. Trong nhà nàng còn củi khô không?

Vọng Nguyệt đáp:

– Trong gian nhà kế bên có đó!

Vỹ Văn đưa đèn cầy cho Vọng Nguyệt và nói:

– Vậy nàng cầm đèn cầy soi đường cho ta để ta đi ôm củi lại đây.

Nói rồi, hai người dò dẫm bước vào gian phòng kế bên. Cửa phòng khép chặt bám đầy bụi như lâu không có người mở. Vỹ Văn phải ra sức kéo. Cánh cửa bị kéo mạnh bật tung ra kêu cành cạch. Bên trong tối om, màng nhện và bụi giăng khắp. Hai người từ từ bước vô, vừa đi vừa liếc nhìn xung quanh. Bất chợt, “rầm”. Một cái gì đó làm những thanh gỗ mục dựng ở góc tường đổ xuống. Vọng Nguyệt sợ quá làm rơi cây đèn cầy xuống đất và ôm chầm lấy Vỹ Văn, tay ghì chặt lấy lưng chàng và hét lên:

– Á, á… sợ quá!

Vừa lúc ấy tiếng những con chuột kêu chít chít vang lên và chạy rầm rập. Vỹ Văn vừa nhẹ nhàng vỗ vai Vọng Nguyệt, vừa an ủi:

– Đừng sợ, chỉ là những con chuột thôi.

Ngôi Miếu Hoang - 5

Vọng Nguyệt ngẩng mặt lên nhìn chàng. Đôi mắt nàng long lanh nhìn chàng một cách đắm đuối đầy mê hoặc. Mùi hương từ thân thể nàng toát ra phảng phất như mùi hương sen thơm ngào ngạt. Vỹ Văn nhìn nàng thì hồn siêu phách tán. Nàng từ từ nhắm mắt lại. Chàng nhẹ nhàng hôn lên làn môi hồng mỏng tanh, quyến rũ của nàng. Chàng hôn dần xuống cổ, xuống ngực, xuống hai gò hồng đào nhỏ nhắn cân đối đến hoàn mỹ của nàng.

Đoạn hai người ghì chặt lấy nhau, hôn nhau say đắm. Vỹ Văn bế nàng lên, một tay nàng với cây đèn cầy rơi dưới đất soi đường cho chàng. Ra đến gian phòng lớn, chàng nhẹ nhàng đặt nàng lên giường. Chàng đặt cây đèn lên cái bàn lớn kê ở gần đó. Đêm ấy, hai người đã ân ái mặn nồng như vợ chồng.

Sáng hôm sau, Vỹ Văn tỉnh dậy thì không thấy Vọng Nguyệt đâu. Chàng mở cửa ra ngoài, ngó trước ngó sau cũng chẳng thấy nàng đâu. Khi chàng quay lại miếu, chợt để ý thấy cây đàn tì bà để trên bàn. Chàng ôm cây đàn ra ngoài và đi xung quanh miếu gọi tìm nàng. Nhưng chàng gào khàn cả cổ cũng không thấy nàng đâu. Đến trưa, mặt trời đã lên cao và nắng chói chang. Thấy mệt và đói, chàng đành trở lại miếu. Chàng giở mấy cái bánh bao trong tay nải ra để ăn thì chúng đã khô cứng như đá, chàng phải ngâm nước cho mềm ra mới ăn được. Ăn uống xong xuôi chàng mới chợt nhớ tới kỳ thi đã sắp tới gần. Sợ trễ thời hạn, chàng vội vã sắp xếp hành lý lên đường. Chàng bọc cây đàn tì bà cẩn thận trong một lớp áo rồi một tay ôm đi. Đi xuống chân núi thì trời đã xế chiều. Bất chợt, từ xa chàng nhìn thấy một cái thôn nhỏ. Mừng quá, chàng chạy một mạch quên cả mệt mỏi cho kịp trời tối.

Đến cổng thôn, chàng nhìn lên tấm biển đề “Thôn Nam Phong” (1). Đúng lúc bụng đói cồn cào thì chàng thấy một quán ăn nhỏ bên vệ đường. Quán ăn lúc này đương vắng khách. Bà chủ quán bước ra thấy chàng thì vội hỏi ngay:

– Khách quan muốn ăn gì?

Chàng liền mở tay nải ra. Trong người chàng vẫn còn 3 quan tiền. Chàng liền nói:

– Bà chủ! Cho ta một tô mỳ, một đĩa thịt bò khô và một vò rượu trắng.

Bà chủ quán nhanh nhảu đáp:

– Khách quan đợi một lát có ngay!

Đoạn Thị bước nhanh vào trong chuẩn bị. Một lúc sau, Thị bưng ra một tô mỳ nóng hổi và một đĩa thịt bò khô. Lại sai đứa con gái tên Ân Đào bê một vò rượu trắng ra cho chàng. Đứa con gái chỉ chừng mười ba, mười bốn tuổi. Nó bước đi thoăn thoắt, bê vò rượu đặt lên bàn, lễ phép mời chàng rồi lại thoăn thoắt bước vào trong. Chàng ăn một lèo hết tô mỳ. Ăn xong, chàng vừa rót rượu uống, vừa nhâm nhi thịt bò. Bà chủ quán thấy vậy liền bước ra hỏi:

– Trông cậu như vậy, chắc người từ xa mới tới đây phải không?

Vỹ Văn đáp:

– Tại hạ người mạn Bắc Giang xuống đây, đang trên đường lên kinh ứng thí.

Bà chủ quán sửng sốt:

– Vậy chắc cậu đã đi qua ngọn núi sau thôn?!

Vỹ Văn thản nhiên đáp:

– Phải, tại hạ mới từ trên núi xuống đây.

Bà chủ quán lại hỏi:

– Vậy cậu có ở lại trên núi đó không?

Vỹ Văn đáp:

– Tất nhiên là có rồi. Trời mưa lớn như vậy mà tại hạ lại đi bộ nên phải đi hết hơn một ngày mới qua hết ngọn núi. May thay trên núi có một ngôi miếu, tại hạ đã tá túc ở đó một đêm.

Bà chủ quán càng kinh ngạc hơn:

– Cậu đã vô trong miếu, lại còn ở một đêm trên đó?

Trước thái độ kì lạ của bà chủ quán, Vỹ Văn vẫn tỉnh bơ:

– Phải, tại hạ đã ở trên đó một đêm. Sau đó có gặp một cô nương xinh đẹp. Cô ấy họ Cố, tên là Vọng Nguyệt và tự xưng là chủ nhà. Nhưng thật kỳ lạ! Sáng ra tại hạ thức dậy đã không thấy cô ấy đâu.

Lần này khuôn mặt bà chủ quán biến sắc:

– Cậu đã gặp cô gái đó, lại còn ở với cô ta một đêm trên đó mà không sao thì cậu đúng là cao số lắm đó.

Bấy giờ Văn mới thay đổi thái độ:

– Có chuyện gì vậy bà chủ? Cô gái đó làm sao? Bà chủ mau nói cho tại hạ biết đi.

Lúc đầu, Thị chối quanh muốn giấu, Vỹ Văn gặng hỏi mãi Thị mới chịu kể:

– 18 năm trước, tại trong thôn này có một gia đình phú hộ họ Cố. Họ có một cô con gái tên là Vọng Nguyệt…

Vỹ Văn kinh ngạc:

– Thế là thế nào? Bà chủ mau kể tiếp đi!

Bà chủ quán tiếp lời:

– Năm đó, Vọng Nguyệt đã bước sang tuổi cập kê. Cố lão gia đã hứa gả Vọng Nguyệt cho viên ngoại họ Lưu ở làng kế bên làm vợ lẽ. Vọng Nguyệt nhất quyết không chịu lấy Lưu viên ngoại nên cô ấy đã bị Cố lão gia giam lỏng tại miếu Kính Tâm trên núi Thái Hà (2) để ép nàng đồng ý. Đó chính là ngọn núi mà cậu vừa đi qua đó.

Vỹ Văn đã lộ rõ sự sợ hãi trên khuôn mặt nhưng vẫn nài nỉ bà chủ quán kể tiếp.

Bà chủ quán kể tiếp:

– Cố lão gia và Lưu Viên Ngoại đã bàn với nhau vài ngày sau sẽ cho người đến rước dâu về. Nào ngờ, mấy hôm sau có người phát hiện Vọng Nguyệt treo cổ tự vẫn. Cố lão gia tức giận chỉ sai người đưa thi thể nàng xuống và chôn cất sơ sài sau miếu. Sau cái chết của Vọng Nguyệt, nhiều người đi đêm qua núi kể lại đã nghe thấy tiếng đàn tì bà ai oán, ghê rợn của cô ấy. Họ không dám đi đến gần cái miếu đó. Có một số người dám liều lĩnh lên miếu thì ngay ngày hôm sau người ta tìm thấy xác họ dưới gần chân núi. Họ chết rất kỳ lạ, không có một vết thương nào. Có người nói họ đã bị Vọng Nguyệt rút hồn. Quan phủ có lên điều tra nhưng không có kết quả. Họ cũng không dám vô miếu. Từ đó, ngọn núi này càng ít người qua lại. Những thương gia, lái buôn qua đây, họ cũng vội vã đi ngay không dám ở lại lâu. Nói về nhà họ Cố, Cố lão gia cũng chỉ mấy năm sau thì tự nhiên mắc bệnh mà chết. Nhà họ Cố sa sút hẳn. Lại phải cái con cái hư hỏng cờ bạc, rượu chè dẫn đến tán gia bại sản. Cố phu nhân cũng vì vậy phẫn uất mà chết. Những người còn lại trong gia đình họ Cố cũng lưu lạc tứ xứ. Đó là cái nghiệp mà ông ta đã tạo ra!

Bấy giờ Vỹ Văn mới ngỡ ngàng và chết đứng người. Thì ra suốt đêm qua chàng đã ở chung với một con ma. Không chỉ vậy, chàng còn ân ái với nó như vợ chồng. Nghĩ đến đây, bất giác chàng thấy rùng mình, cảm giác như có một cái gì đó đáng sợ lắm chạy từ trên cổ xuống tận xương sống. Phải một lúc sau chàng mới định thần lại được. Nhưng nghĩ lại, cuộc gặp gỡ đêm qua với Vọng Nguyệt thì chàng thấy nó giống như một mối nhân duyên ngang trái chứ không hề đáng sợ như bà chủ quán kể. Vọng Nguyệt từ đầu chí cuối cũng không hề có ý hại chàng. Chàng trả tiền rồi từ giã bà chủ quán vào sâu trong thôn tìm quán trọ để ngủ qua đêm. Tay chàng vẫn ôm theo cây đàn. Trời đã xẩm tối nên ngoài đường chỉ còn lưa thưa người qua lại. Chàng cũng rảo bước thật nhanh. Chỉ một lúc sau đường trong thôn đã vắng tanh, không một bóng người. Đi một quãng nữa khá xa, chàng đã cảm thấy người thấm mệt. May thay, phía trước chàng đã thấy một quán trọ. Bên ngoài đề “Viễn Lai Khách Điếm” (Nghĩa là: Quán trọ đón khách từ phương xa đến). Chàng nhanh chân bước vào trong. Một người thanh niên cũng tầm tuổi chàng mặt mũi hớn hở lễ phép ra đón:

– Chào khách quan! Ngài đến ở trọ qua đêm ạ? Ở đây có phòng bình thường, phòng hạng vừa đến phòng hạng nhất. Ngài muốn chọn loại nào?

Vỹ Văn đáp:

– Cho ta một phòng bình thường.

Tay chủ quán kéo chàng ngồi xuống cái bàn gần đó rồi nhanh nhảu:

– Ngài ngồi xuống đây nghỉ ngơi một lát để tiểu nhân đi sắp xếp.

Lát sau, tay chủ quán dẫn chàng lên một phòng trên lầu. Vào đến phòng, chàng bỏ cây đàn tì bà và tay nải lên cái bàn để ở giữa nhà. Sau đó, chàng dựng cái thùng gỗ khoác trên lưng vào một góc. Tay chủ quán liền nói:

– Tiểu nhân ở ngay phòng dưới lầu, ngài cần gì cứ sai bảo.

Chàng đáp lễ rồi để anh ta ra ngoài và đóng cửa lại. Tiếp đó, chàng bỏ mấy cuốn kinh thư để trong tay nải ra đọc. Mãi tới tận khuya, khi canh ba đã điểm, chàng thấy buồn ngủ mới leo lên giường nằm. Nhưng chàng nằm trằn trọc không tài nào ngủ được vì nhớ tới Vọng Nguyệt, không biết giờ này nàng đang ở đâu. Dù nàng là người hay ma, chàng vẫn quyết kiếm cho bằng được. Và rồi chàng quyết định sau kỳ thi khoa cử sẽ quay lại miếu tìm nàng. Nghĩ vậy, chàng nhỏm dậy đến bên cái bàn lấy cây đàn tì bà ra ngắm nghía một hồi và ôm nó ngủ luôn đến sáng.

Sáng ra, khi tiếng gà gáy trong thôn cất lên rộn rã thì chàng tỉnh giấc. Chàng sắp xếp hành lý, trả phòng rồi lên đường sớm. Sau đó, chàng tìm chỗ mua bánh bao để đem theo ăn dọc đường. Chẳng mấy chốc chàng đã ra khỏi thôn. Vừa đi vừa nghỉ ngơi, thấm thoắt chàng đã đi qua mấy châu, huyện.

Ngôi Miếu Hoang - 6

Hai ngày sau thì Vỹ Văn tới kinh thành Thăng Long. Nơi đây khá sầm uất, người người nườm nượp qua lại. Tới trường thi, chàng nhanh chóng đi tìm nhà trọ gần đó. Sáng sớm hôm sau thì kỳ thi bắt đầu. Mới sáng sớm sĩ tử đã đến rất đông. Họ xếp hàng lần lượt chờ đến số báo danh. Chàng cũng xếp hàng theo họ và chờ đến lượt mình. Hôm đó chàng bước ra sớm. Sau đó chàng lại trở về khách điếm để chờ kết quả. Chỉ mấy ngày sau đó, chàng đã nghe tin tên mình đề bảng vàng.

Khoa thi tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247), Vỹ Văn đỗ trạng nguyên (3). Chàng cùng 2 bảng nhãn và thám hoa được vua Trần Thái Tông triệu vô triều ban chức tước. Chàng được vua phong làm tri huyện Tân Phúc và được áo gấm về làng.

Trưa hôm ấy, Vỹ Văn ngồi kiệu về qua thôn Nam Phong, chàng cho quân lính và tùy tùng nghỉ ngơi tại quán trọ Viễn Lai còn chàng quyết định một mình lên núi Thái Hà để đào hài cốt của Vọng Nguyệt. Trên vai chàng đeo cây đàn tì bà, một tay chàng vác cuốc, tay kia cầm đèn lồng. Trong tay nải chàng chỉ đem theo mấy cái bánh bao và túi nước để ăn uống dọc đường. Xế chiều, chàng lên tới miếu Kính Tâm. Ra sau miếu, chàng để hết những thứ mang theo xuống và bắt đầu đào bới. Sẩm tối, người đã thấm mệt chàng mới ngưng đào và nghỉ ngơi để lấy lại sức. Chàng đốt đèn lồng lên. Ngọn đèn cũng đủ soi sáng xung quanh. Chàng giở đồ ăn, thức uống mang theo ra thưởng thức. Ăn uống xong xuôi, chàng lại tiếp tục đào. Sau mấy canh giờ đào bới, chàng cũng tìm thấy hài cốt của Vọng Nguyệt. Chàng chất đầy lá và củi khô thành một đống to rồi bê hài cốt của nàng đặt lên đó. Chàng lấy đá lửa giắt trong người ra định châm lửa đốt thì chợt sau lưng có tiếng gọi:

– Vỹ Văn…!

Ngôi Miếu Hoang - 7

Vỹ Văn bất giác quay lại thì thấy Vọng Nguyệt. Thấy nàng, chàng mừng giỡ:

– Cuối cùng nàng đã chịu ra gặp mặt ta rồi!

Vọng Nguyệt nhìn chàng oán trách:

– Chàng đã biết thiếp là ma tại sao còn trở lại đây?

Vỹ Văn đáp:

– Vì ta không đành lòng nhìn thấy nàng trở thành hồn ma sống cô đơn vất vưởng nơi rừng núi hoang vu hẻo lánh này!

Vọng Nguyệt cảm động chạy lại ôm trầm lấy chàng. Nàng thảng thốt:

– Giá như ông trời cho chúng ta được gặp nhau sớm hơn thì nay chúng ta đã không phải âm dương cách trở thế này!

Vỹ Văn nhẹ nhàng an ủi nàng:

– Dù rằng kiếp này không được ở cùng nhau. Nhưng ta cũng phải cám ơn ông trời đã cho ta quen biết một người con gái tốt như nàng. Ta sẽ trân trọng từng khoảnh khắc này và suốt cuộc đời này chỉ có nàng là người phụ nữ duy nhất trong trái tim ta. Hẹn kiếp sau hai ta sẽ là một đôi uyên ương không bao giờ chia lìa!

Lời thề non hẹn biển của Vỹ Văn làm Vọng Nguyệt càng cảm động hơn. Nàng ghì chặt lấy chàng không muốn buông ra. Hai người ôm nhau thắm thiết một hồi lâu. Sau đó, Vỹ Văn nói với Vọng Nguyệt:

– Giờ ta sẽ hỏa táng hài cốt của nàng, rồi mang tro cốt của nàng lên chùa siêu độ. Sau đó sẽ an táng cạnh mộ của mẫu thân nàng. Nàng đồng ý không?

Vọng Nguyệt khẽ gật đầu. Song đột nhiên lại nói:

– Không, thiếp không muốn rời xa chàng đâu!

Vỹ Văn lại khuyên nhủ nàng:

– Ngoan, nàng phải nghe lời ta. Mọi chuyện trước đây đã qua rồi. Oan khí của nàng cũng đã được giải hết. Nàng phải mau chóng đi đầu thai chuyển kiếp, nếu không sẽ bị hồn xiêu phách tán.

Vọng Nguyệt từ từ buông tay Vỹ Văn ra. Nàng nghe lời chàng không cản trở nữa. Chàng cúi xuống cạnh đống củi đặt thi hài của nàng, đánh đá lửa và đốt. Củi khô bén lửa cháy rất to. Chàng nhìn theo hình bóng Vọng Nguyệt đang tan biến dần. Đôi mắt nàng vẻ u sầu, đẫm lệ. Chàng vẫy tay và hét to:

– Vọng Nguyệt! Ta yêu nàng! Mãi mãi chỉ yêu mình nàng thôi!

Sau khi Vọng Nguyệt biến mất, chỉ còn một mình Vỹ Văn cô đơn, lẻ loi giữa màn đêm u tối, lạnh lẽo. Bất giác, môi chàng mấp máy mấy câu thơ nhớ người yêu của Lý Bạch:

“Mỹ nhân tại thì hoa mãn đường,
Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng .
Sàng trung tú bị quyển bất tẩm,
Chí kim tam tải văn dư hương .
Hương diệc cánh bất diệt,
Nhân diệc cánh bất lai.
Tương tư hoàng diệp lạc,
Bạch lộ thấp thanh đài.”


(1), (2): Địa danh này không có thực.
(3): Thực chất theo sử sách, người đỗ trạng nguyên năm đó là Nguyễn Hiền.

Cùng chuyên mục
Giới thiệu - Liên hệ
vinawap.mobi@gmail.com
DMCA PROTECTED